Trĩ là bệnh nằm ở chỗ kín nên nhiều bệnh nhân, nhất là phụ nữ trẻ có tâm lý ngại ngùng không dám đi khám.
Ngồi nhiều, ít vận động dễ bị trĩ
Ngồi ghế khu vực chờ khám tại một phòng khám đa khoa, một phụ nữ trẻ, xinh xắn, ăn mặc chỉnh chu đang thập thò trước cửa mãi mà không dám vào gặp bác sĩ. Hỏi ra mới biết, chị đến khám trĩ nhưng thấy ngại nên ngập ngừng không dám khám.
Chị Phan Ngọc Mai làm việc văn phòng cho một Công ty truyền thông ở đường Hoàng Ngân gần 5 năm nay. Đặc thù công việc buộc chị phải ngồi nhiều thường xuyên bên máy tính, nhiều hôm chị còn phải gọi cơm hộp về ăn ngay tại chỗ. Có lẽ vì vậy mà dù mới chớm tuổi "băm" nhưng chị đã phải sống chung với bệnh trĩ gần 3 năm.
Ngồi nhiều dễ mắc bệnh trĩ. (Ảnh minh họa)
Chị cho biết càng để lâu bệnh càng nặng, nhưng bệnh "chỗ đó" tế nhị nên cứ "đánh liều" để kệ, đã nhiều lần định đi khám nhưng rồi lại trì hoãn. Một số người thân thiết biết chuyện khuyên nhủ không được cũng giúp chị tìm các bài thuốc dân gian để chữa bệnh.
Tuy nhiên, bệnh của chị ngày càng nặng hơn, nửa năm nay sinh hoạt hàng ngày của chị bắt đầu gặp trở ngại, sức khỏe giảm sút hẳn. Chị thường xuyên bị chảy máu khi đi vệ sinh, khổ nhất là cả khi ăn, khi ngủ, ngồi làm việc chị luôn cảm thấy đau. Lúc này, chị mới quyết định đến bệnh viện khám.
Theo bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Định đánh giá thì có rất nhiều chị em mắc bệnh trĩ, nhưng tương tự chị Mai họ đều ngại không dám gặp bác sĩ để điều trị bệnh sớm. Nên hầu như đều để bệnh nặng rồi mới chịu đi khám. Lúc này cách điều trị duy nhất là phẫu thuật cắt búi trĩ.
Bác sĩ cũng cho biết, trĩ không phải bệnh nan y khó chữa, giai đoạn đầu chỉ cần uống thuốc cũng có thể khỏi bệnh, để nặng, bệnh rất dễ tái phát nhiều lần".
Theo bác sĩ Định: "Cũng phải thừa nhận rằng trĩ là bệnh nằm ở chỗ kín nên nhiều bệnh nhân, nhất là phụ nữ trẻ có tâm lý ngại ngùng không dám đi khám. Vì vậy, đa số bệnh nhân đều chờ đến khi không chịu nổi mới nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ. Và trong số này, không ít người gặp biến chứng rất nguy hiểm như tắc mạch, nứt hậu môn, sa bệnh trĩ, chảy máu cấp tính…"
Bị trĩ, chớ để lâu
"Ngày nay, số đông giới trẻ đang sử dụng máy tính làm việc tại văn phòng thường ít vận động toàn thân. Điều này sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Điều đó lý giải tại sao ngày càng nhiều chị em văn phòng mắc bệnh trĩ.
Như trường hợp bệnh nhân Mai do tâm lý e ngại không đi khám và chữa trị kịp thời để xảy ra biến chứng mới tìm đến bác sĩ khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, búi trĩ thò ra ngoài khá dài nên thời gian điều trị sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Ngoài phẫu thuật, chị phải nằm viện theo dõi biến chứng".
Trước nguy cơ ngày càng nhiều người mắc bệnh trĩ, nhất là giới trí thức, văn phòng mắc căn bệnh khó nói này, bác sĩ Định khuyên chị em văn phòng nói riêng và dân văn phòng nói chung có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, cách phòng bệnh tốt nhất là uống nhiều nước, nên uống một ly nước vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, ăn nhiều chất xơ, rau, củ quả, tập thể dục hàng ngày, đi đại tiện đều đặn, tránh các đồ cay nóng, chất kích thích, hạn chế bia rượu...
Những người ngồi máy tính nhiều nên cứ 1 tiếng lại đứng dậy đi lại, vận động từ 5- 10 phút.
Đồng thời khi có triệu chứng mắc bệnh trĩ cần thăm khám sớm để kịp thời chọn phương pháp điều trị thích hợp, tránh bệnh tái phát.
Bệnh trĩ còn gọi là bệnh lòi dom được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn bị dãn quá mức.
Bệnh trĩ gồm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội chịu lực nén bên trong nên có chiều hướng sung huyết, chảy máu và đôi khi bị sa ra ngoài. Trĩ ngoại có thể có khối huyết phát triển rất đau.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh trĩ nhưng với chị em văn phòng thì nguyên nhân chủ yếu là do ngồi "yên vị" trong thời gian dài, ít vận động làm tăng áp lực tĩnh mạch phần dưới trực tràng. Cùng với việc ăn uống tại chỗ, chị em thường ăn đồ khô, ít ăn hoa quả, uống nước không đủ dẫn đến táo bón. Đa số chị em lơ là không chữa trị táo bón, lâu dần chuyển sang trĩ.
Theo Lê Hường (Tri thức trẻ)