Một bạn đọc đã cảm ơn phóng viên Tuổi Trẻ rối rít sau chặng đường gian nan chữa “bệnh khó nói”. Trường hợp này không hiếm gặp khi trong xã hội hiện đại, nhiều người vướng phải căn bệnh ngồi hoài trong nhăn nhó này.
Khốn khổ với "bệnh khó nói"
Giữa tháng 3-2012, ông N.D.H. (57 tuổi, Ninh Thuận) vui mừng kể ông đã khỏi bệnh trĩ vốn hành hạ ông bấy lâu nay.
Tốn 50 triệu đồng, bệnh vẫn vậy
Trước đó ngày 29-2 ông H. gửi thư kể về “hành trình” qua nhiều bệnh viện, với năm lần mổ trĩ từ tháng 9-2011 mà không khỏi bệnh. Theo hướng dẫn của chúng tôi, ông đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị. Phải đến lần mổ thứ sáu vào ngày 1-3 tại bệnh viện này ông H. mới khỏi bệnh.
Ông H. cho biết ngày 19-9-2011 ông đến bệnh viện ở Phan Rang, Ninh Thuận, được chẩn đoán trĩ vòng và mổ cắt trĩ nhưng kết quả không khả quan. Ngày 31-10-2011, khi tái khám bác sĩ chẩn đoán ông bị hẹp hậu môn sau mổ trĩ và cho mổ lại. Sau mổ lần hai, tình trạng vẫn không cải thiện. Ngày 6-12-2011, ông cũng được bác sĩ của một bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM chẩn đoán hẹp hậu môn sau mổ trĩ và tiến hành phẫu thuật.
Mổ xong, tình trạng bệnh của ông vẫn vậy. Ngày 6-1, bác sĩ của bệnh viện này mổ cho ông lần nữa. Thế nhưng, tình trạng đi cầu như phân chuột nhiều lần một ngày và xuất huyết tiêu hóa dưới vẫn không cải thiện. Ngày 31-1, ông quay lại bệnh viện này tái khám nhưng bác sĩ chỉ làm thủ thuật nong hậu môn. Sau nong, tình trạng bệnh của ông H. vẫn như cũ.
Theo ông H., ông không chỉ đến hai bệnh viện nói trên mà còn đến khám ở một số bệnh viện và phòng khám đông y Trung Quốc, rồi đi... ngồi thiền chữa trĩ ở một cơ sở tại Đức Linh, Bình Thuận. Thế nhưng sau gần sáu tháng điều trị, phẫu thuật ở nhiều nơi, tốn kém gần 50 triệu đồng bệnh vẫn vậy.
Biến chứng từ thuốc “gia truyền”
Bác sĩ Dương Phước Hưng - trưởng khoa ngoại I, trưởng phân khoa hậu môn - trực tràng, Bệnh viện Đại học Y dược TP - cho biết biến chứng hẹp hậu môn sau phẫu thuật trĩ như trường hợp ông H. thỉnh thoảng vẫn gặp, nhưng ít hơn nhiều so với biến chứng do bôi thuốc đông y “gia truyền”. Thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, đặc biệt là hai tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp bị biến chứng hẹp hậu môn, nhiễm trùng hậu môn do đến “thầy lang” mua thuốc “gia truyền” về bôi cho rụng trĩ. Có người bị nhiễm trùng lan rộng hết vùng hậu môn, vùng bìu, hai nếp bẹn...
Điển hình là cuối năm 2011 vừa qua, một nữ Việt kiều Mỹ sau khi đến một thầy lang ở Tây Ninh mua thuốc “gia truyền” về bôi đã bị biến chứng nhiễm trùng huyết, ăn lan đến màng não gây viêm màng não. Bệnh nhân nằm liệt giường sáu tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phải mở hậu môn tạm. Bệnh nhân này sau khi được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống đã được chuyển qua Bệnh viện Đại học Y dược TP để tạo hình hậu môn, đóng lại hậu môn tạm.
Do trĩ nằm ở vùng quá nhạy cảm nên đa số bệnh nhân bị trĩ rất ngại đến bệnh viện khám bệnh. Vì vậy nhiều người nghe theo quảng cáo, lời truyền miệng, rồi đến thầy lang mua thuốc “gia truyền” tự điều trị. Trong khi các loại thuốc được cho là thuốc “gia truyền” chưa được cơ quan y tế phân tích hoạt chất và tác dụng dùng để bôi lên các khối được cho là trĩ (đôi khi không phải là trĩ mà là các bệnh khác) có tính chất gây hoại tử chỗ bôi, từ đó làm nhiễm trùng lan rộng hoặc sau đó lành sẹo sẽ tạo ra sẹo co rút gây hẹp hậu môn.
Điều trị đúng cách
Theo bác sĩ Hưng, quan niệm mới nhất là phải bảo tồn, giữ lại được đệm ở vùng hậu môn. Nếu cắt bỏ búi trĩ như trước đây sẽ dẫn đến tình trạng mất đệm hậu môn, làm hậu môn không khít lại được, gây biến chứng ứ trệ hoặc chảy dịch hậu môn.
Hiện có ba phương pháp điều trị trĩ là bảo tồn, dụng cụ và phẫu thuật. Điều trị bảo tồn bằng thuốc uống, thuốc bôi. Điều trị bằng dụng cụ gồm chích xơ, quang đông hồng ngoại, thắt trĩ bằng vòng cao su. Phẫu thuật chỉ áp dụng khi trĩ có biến chứng: tắc mạch, trĩ sa độ ba trở lên. Dù sử dụng phương tiện nào thì bác sĩ cũng không nên “kẹp, cắt một lần là hết búi trĩ” như quảng cáo của một số cơ sở bán máy vì cắt như vậy sẽ gây biến chứng hẹp hậu môn cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện còn gặp nhiều trường hợp biến chứng hẹp hậu môn khi cắt trĩ bằng sóng cao tần do người thực hiện không đủ chuyên môn, tay nghề.
Khi bị trĩ, bệnh nhân nên đi điều trị ở những bệnh viện lớn có đầu tư khoa hậu môn để được điều trị đúng chuẩn bằng cả ba phương pháp nói trên. Bởi điều trị bảo tồn bằng phương pháp nội khoa luôn là chọn lựa đầu tiên khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ. Nếu điều trị bằng thuốc thất bại mới chuyển qua điều trị bằng dụng cụ. Chỉ khi người bệnh đi tiêu trĩ sa ra ngoài không tự thụt vào được, hoặc lúc nào trĩ cũng nằm ngoài hậu môn, có biến chứng nặng mới phải phẫu thuật.
Do sống vội, ăn nhanh, ngồi nhiều, đi ít...
Bệnh trĩ thường xảy ra ở những người có cuộc sống vội vàng, ít lao động, ít tập thể dục, hay ăn những loại thực phẩm ăn nhanh như mì gói, bánh mì, thức ăn nhanh, làm những công việc phải ngồi lâu, đứng lâu như nhân viên văn phòng, bán hàng siêu thị... hay làm công việc nặng nhọc như bốc vác, đạp xích lô. Bệnh cũng thường gặp ở những người uống nhiều rượu, bia, ăn quá nhiều ớt do các thực phẩm cay, nóng gây rối loạn giao cảm, làm cho máu đến búi trĩ tăng lên, lâu ngày dẫn đến búi trĩ bị phình to ra.
Để phòng ngừa, tránh tái phát bệnh trĩ, phải loại bỏ nguyên nhân gây ra trĩ. Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau, củ, quả (200-300 gam/ngày) để có đủ chất xơ, uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày), hạn chế ăn quá nhiều chất ngọt, đặc biệt là sôcôla, mứt; hạn chế uống nhiều rượu bia, ăn quá nhiều ớt...
LÊ THANH HÀ (tuoitre.vn)