Do chế độ dinh dưỡng không khoa học và thói quen ít vận động nên số người trẻ mắc bệnh trĩ ngày càng phổ biến.
Lịch học tại trường của Nguyễn Toán, sinh viên Đại học Công Đoàn những ngày cận tốt nghiệp dày đặc - sáng học, chiều học và tối ôn thi. Học hành bận rộn nên thời gian nấu nướng của Toán không nhiều. Thay vì tự nấu đồ ăn, cậu gọi cơm hộp, bánh mì, mì gói mỗi bữa. 5 tháng cuối của đại học, những bữa ăn diễn ra triền miên như vậy. Toán có dấu hiệu bị táo bón, đau rát khi đi vệ sinh. Biểu hiện đau rát của Toán nặng hơn khi mỗi lần đại tiện, máu ở hậu môn chảy nhiều, tạo cục. Toán đi khám được chẩn đoán bị sa búi trĩ cấp độ 4 (hiện tượng búi trĩ sa ra ngoài thường xuyên và có thể bị thắt lại dẫn đến hoại tử).
Không chỉ trường hợp của Toán mà tình trạng sinh viên mắc bệnh trĩ ngày càng phổ biến do thói quen sinh hoạt không điều độ, ít tập thể thao. Đoàn Ngân, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng bị bệnh trĩ hành hạ suốt một năm qua. Ngoài việc học chính tại trường, Ngân casting thêm một số bộ phim nên thường xuyên phải đi diễn xa. Đóng phim vất vả, ăn uống thất thường là nguyên nhân chính để bệnh trĩ tìm đến Ngân. Tình trạng táo bón diễn ra thường xuyên, mỗi lần đi vệ sinh là một lần ám ảnh. Không chỉ ra máu khi đi đại tiện, hậu môn của Ngân có triệu chứng lòi búi trĩ. E ngại là con gái lại khám bệnh khó nói nên Ngân chần chừ tự mua thực phẩm chức năng, chọn những bài thuốc dân gian do người quen chỉ. Bệnh không thuyên giảm, khi Ngân đến bệnh viện và được chẩn đoán, búi trĩ đã sa cấp độ 3.
Bệnh trĩ khiến cho cuộc sống nhiều người bị đảo lộn.
Bên cạnh sinh viên, giới văn phòng cũng là một trong những đối tượng bị bệnh trĩ ghé thăm. Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên IT của một công ty truyền thông đang bị trĩ nội, cấp độ 3. Ngày mới phát hiện bệnh, búi trĩ còn rất nhỏ, chỉ sa xuống khi đi đại tiện, hậu môn hơi sưng nhưng anh ngại không đi điều trị. Khi bệnh nặng, đến bệnh viện và bác sĩ chỉ định phải cắt trĩ anh mới thấy khổ sở. “Ngồi một lúc là hậu môn căng tức, đau đớn, có lúc lại ngứa ngáy, tự ra máu. Đi đại tiện máu chảy thành tia, búi trĩ phải dùng tay ấn mới đẩy vào trong được. Biết đau đớn thế, trước đây tôi ăn uống khoa học và tập thể dục đều đặn hơn rồi”, anh Hoàng chia sẻ.
Phòng ngừa bệnh trĩ thế nào
Bệnh trĩ có một phần nguyên nhân từ yếu tố nghề nghiệp. Những người phải ngồi nhiều liên tục như: lái xe, thợ may, học sinh, sinh viên… sẽ có nguy cơ cao bị bệnh trĩ. Đặc biệt hơn, nhóm đối tượng mới bị trĩ tìm đến là dân văn phòng, giới trẻ sử dụng máy tính nhiều trong công việc, học tập và ít vận động. Yếu tố này làm tăng áp lực với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng gây nên bệnh trĩ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Phước Hưng, Trưởng phân khoa Hậu môn, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, rất nhiều người bị bệnh trĩ thay vì đi khám sớm để được điều trị giai đoạn bệnh mới xuất hiện lại âm thầm chịu đựng dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn và cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Ông kết luận: “Ai cũng có thể mắc bệnh này và nên đi khám sớm khi vừa xuất hiện triệu chứng”.
Chuyên gia khuyên nên ăn các loại thực phẩm như, táo, chuối, khoai để ngăn ngừa bệnh trĩ.
Để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn có thể kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý; uống nhiều nước, ăn thức ăn có nhiều chất xơ, hạn chế ăn đồ cay nóng, café, rượu bia... Ngoài ra, bạn nên tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm, nên tăng cường các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ…
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị trĩ, người bệnh nên đi khám ở bệnh viện có uy tín về chuyên khoa hậu môn trực tràng. Nếu trường hợp bị trĩ độ 2 mà búi trĩ không lớn, số búi trĩ không nhiều, ít chảy máu thì có thể điều trị nội khoa, nhưng nếu trĩ độ 2 nhiều búi, búi trĩ to, chảy máu nhiều thì bạn cần đặt vấn đề can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Khi có các dấu hiệu bị trĩ, bệnh nhân nên đi khám nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn. Nếu đã xác định là trĩ, bạn nên dùng khẩu phần ăn chứa nhiều chất xơ: rau xanh, chuối, đu đủ, bưởi, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, uống nhiều nước, tránh rặn mạnh khi đại tiện hay khuân vác nặng, tránh ngồi lâu, đứng nhiều...
Người bệnh nên giữ vùng hậu môn sạch như rửa bằng nước, không dùng giấy lau mạnh sau đại tiện, không nên rửa bằng xà phòng vì dễ gây kích thích, ngứa nhiều hơn, ngâm hậu môn với nước ấm ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút.
Theo Dược sĩ Lê Thị Phương, với những bệnh nhân từng phẫu thuật, nếu không chú ý chế độ ăn uống và vận động hợp lý sẽ dễ bị trĩ trở lại. Uống đủ nước cũng là một trong những “chìa khóa” để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa táo bón lâu ngày dẫn đến bệnh trĩ. Bạn nên uống từ 6 đến 8 ly nước (tương đương 2 lít) mỗi ngày.
Tư Linh (vnexpress.net)