Theo thống kê, 50% người Việt mắc bệnh trĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội Hậu môn - Trực tràng Việt Nam, cho biết trĩ (bao gồm trĩ nội, ngoại và hỗn hợp) là những đám rối mạch máu, phình to, giãn ra ở vùng hậu môn, khi nặng chúng sa xuống dưới.
Trĩ không biến thành ung thư
Người mắc bệnh này thường có biểu hiện đi ngoài ra máu thành giọt hoặc tia, táo bón, nếu nặng, có thể sờ thấy búi trĩ bên ngoài.
Điều đặc biệt, trĩ không gây đau cho người bệnh, trừ khi có biến chứng. Khi bị nặng, búi trĩ sa ra ngoài có thể kèm theo nước phân, hoặc nước trắng đục, phát mùi hôi. Riêng trĩ nội độ 4 có thể cọ xát vào quần áo, gây xước, đau, chảy máu.
Những người bệnh nặng, tình trạng chảy máu, mất máu nhiều có thể gây sốc, ngất.
“Trĩ là một căn bệnh không đau, nhưng không thể tự khỏi. Nó làm giảm cảm giác khi quan hệ tình dục do mùi hôi, và môi trường nhiều vi khuẩn đồng thời làm ảnh hưởng đến việc lao động”, PGS Nhâm cho biết.
Tuy nhiên vị chuyên gia này cho hay trĩ không biến thành ung thư như nhiều người vẫn e ngại. Hiện tại, ông cũng chưa từng gặp trường hợp nào như vậy.
Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh
Theo ông Nhâm, ngày càng nhiều người bị trĩ, song y học thế giới hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
“Nếu tìm ra nguyên nhân, khi loại bỏ chúng, bệnh sẽ khỏi. Người ta hay cho rằng do ngồi nhiều hoặc ăn ít rau, uống ít nước gây trĩ song có rất nhiều bệnh nhân không hề có thói quen này”, PGS Nhâm nhấn mạnh.
Theo đó, chỉ có những điều kiện thuận lợi để bệnh dễ phát triển hơn như táo bón, rặn khi đi ngoài; người ngồi nhiều (lái ô tô, thợ may, dân văn phòng); người làm việc áp lực nặng như phu quân vác; người có bệnh viêm đại tràng, gan, đái tháo đường; phụ nữ chửa đẻ (lưu ý: trĩ không phải nguyên nhân chỉ định đẻ mổ).
“Chưa có thống kê cụ thể về số lượng bệnh nhân bị trĩ tăng nhiều hơn trong mùa hè. Thực tế, khi nhiệt độ tăng cao, mồ hôi ra nhiều, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng cao, cộng thêm chế độ ăn sinh nhiệt có thể khiến nhiều người mắc bệnh song không đáng kể khi so với các mùa khác”, PGS Nhâm giải đáp.
Bệnh khó khỏi hoàn toàn
Vẫn theo vị chuyên gia, để phòng tránh trĩ, chúng ta cần tránh những nguyên nhân thuận lợi trên và tích cực điều trị. Bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, tránh ăn đồ cay nóng. Một số loại rau nên ăn như diếp cá, rau đay, mồng tơi. Ngoài ra, chế độ sống dưỡng sinh, hạn chế nóng giận, cáu gắt cũng có vai trò quan trọng để phòng tránh bệnh.
Đối với bệnh trĩ độ I, II, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống, bôi, hoặc ngâm. Riêng trĩ độ III, bệnh nhân không cần mổ, có thể điều trị nội khoa kèm theo chế độ ăn uống, tập luyện. Các bác sĩ chỉ tiến hành phẫu thuật đối với độ II hoặc III to đã điều trị nội khoa không có kết quả. Nếu bệnh nhân mắc trĩ độ IV thì buộc phải mổ, sau đó, vẫn phải tiếp tục điều trị bằng thuốc và tập luyện để tránh tái phát.
Đối với trĩ ngoại chỉ cần điều trị nội khoa, trường hợp có biến chứng mới phải thực hiện mổ.
“Khi bệnh nhân đã có biến chứng, dù là trĩ nội hay trĩ ngoại đều nên mổ. Do đó, tất cả những người hay bị chảy máu hoặc các u cục ở hậu môn phải đi khám để tránh những bệnh khác hoặc đơn độc hoặc đi kèm trĩ, chẳng hạn ung thư hậu môn - bệnh mổ sớm sẽ khỏi hoàn toàn", vị chuyên gia khuyến cáo.
Về khả năng khỏi bệnh, theo PGS Nhâm, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố như tình trạng bệnh khi được tiến hành mổ, cơ địa của từng người. Nếu bệnh nhân có kèm theo nhiều bệnh khác như huyết áp, đái tháo đường, đặc biệt sẹo lồi, việc điều trị sẽ phức tạp hơn.
“Khi mổ, các bác sĩ chỉ biết cắt búi trĩ chứ không biết rõ nguyên nhân để điều trị dứt điểm. Tỷ lệ tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, song nhìn chung khó khỏi 100%. Nếu gặp điều kiện tốt, bệnh chỉ có thể khỏi 90%”, PGS Nhâm khẳng định.
Hà Quyên (newzing)