Trong quá trình khám chữa bệnh trĩ chúng tôi nhận thấy một số bà con hiểu sai về bệnh trĩ dẫn đến những điều trị không đúng và đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người nghĩ tiêu ra máu là bệnh trĩ; bệnh trĩ là bệnh “xã hội” (bệnh xấu, lây truyền) và bệnh trĩ có thể điều trị bằng đắp thuốc, chích thuốc tại chỗ. Việc hiểu đúng sẽ giúp chúng ta có cách phòng ngừa đúng và điều trị phù hợp.
Cần khẳng định rằng không phải đi tiêu ra máu là chắc chắn bệnh trĩ và cũng phải hiểu bệnh trĩ không phải là bệnh xấu, lây truyền qua đường tình dục. Bản thân bệnh trĩ là bệnh lành tính và được hình thành do sự giãn nở của mạch máu. Bệnh thường gặp ở những người đứng lâu, ngồi lâu do tính chất công việc, ví dụ như tài xế, người khuân vác nặng, nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc lâu…; bệnh cũng gặp ở những người táo bón, tiêu chảy kéo dài, cũng hay gặp ở những người phụ nữ mang thai. Việc giãn nở mạch máu lâu ngày sẽ tạo nên búi trĩ và biểu hiện là các khối phồng hậu môn to dần, gây đau, gây chảy máu, gây khó chịu vùng hậu môn. Tuy nhiên không phải tiêu máu là chắc chắn bệnh trĩ. Có những bệnh khác cũng gây tiêu máu và nếu không được chuẩn đoán đúng, cứ hiểu nhầm là bệnh trĩ sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đặc biệt nghiêm trọng nếu nhầm với ung thư vùng hậu môn trực tràng. Bác sĩ khám kỹ, đánh giá máu chảy như thế nào sẽ biết đó là bệnh lành (như bệnh trĩ) hay bệnh ác (như ung thư).
Biến chứng đốt điều trị trĩ
Chúng ta từng nghe câu “thập nhân cửu trĩ”, như vậy ai cũng có thể bị bệnh trĩ. Vì vậy đừng vì bệnh vùng kín, xấu hổ mà không khám để bệnh lâu ngày khó điều trị hoặc là bệnh ác tính mà không biết sẽ vào giai đoạn trễ mà y học sẽ bó tay. Việc điều trị trĩ là hoàn toàn có thể hết. Người dân cần tránh điều trị theo dân gian như đốt, cắt, đắp thuốc… sẽ dẫn đến một số biến chứng nặng, nghiêm trọng. Điều trị không đúng sẽ gây đau đớn, mất tiền, dẫn đến biến chứng nặng như loét vùng hậu môn có trường hợp chít hẹp hậu môn không thể đi tiêu được. Tại bệnh viện có những trường hợp người bệnh khi trĩ để quá to, điều trị không đúng gây hẹp, nên những lúc đó giải quyết rất khó, có trường hợp phải làm hậu môn tạm thời bên hông một thời gian mới giải quyết được triệt để bệnh trĩ.
Bệnh trĩ sẽ được chia ra nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ sẽ điều chỉnh thói quen sinh hoạt, uống thuốc kèm theo. Mức độ nặng hơn sẽ can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật nhưng ưu tiên làm sao để bệnh nhân ít đau nhất, nằm viện ngắn nhất và trở lại làm việc sớm nhất. Người dân đừng để bệnh trĩ quá nặng mới khám và điều trị, lúc đó sẽ khó khăn, kéo dài trong điều trị.
Biết được bệnh trĩ không phải là ác tính, không lây và có một số yếu tố thuận lơi như trên, người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa được và khi có bệnh điều trị sớm sẽ trách được những biến chứng không đáng có. Chúc bà con có sức khỏe tốt và xử trí đúng với bệnh trĩ.
BSCKI. Tống Hải Dương - BV ĐK TP Cần Thơ