Có đến 80-90% người Việt mắc trĩ, gặp phải tình trạng đau đớn mỗi khi đại tiện, mất máu, suy nhược cơ thể... Việc chữa trĩ hiện nay khá đơn giản song khó có hiệu quả và dứt điểm nếu bệnh nhân không chọn được đúng phương pháp.
Mặt nhăn nhó vì đau đớn, anh Trần Quang Lâm, sống ở Lạc Trung, Hà Nội, vịn tay vào thành ghế để có thể ngồi xuống một cách nhẹ nhàng nhất. Anh Lâm bị trĩ từ cách đây gần 10 năm, "sống chung" với căn bệnh quãng 5 năm thì anh quyết định đi khám và chữa vì quá đau và mất nhiều máu mỗi khi đại tiện.
Nghe người thân nói chỉ có Đông y mới có thể chữa "tận ngọn" bệnh này, vì trĩ là do tính nhiệt trong cơ thể sinh ra, anh Lâm đi cắt thuốc uống. Nhưng sau 3 tháng, bệnh vẫn không thuyên giảm. Thầy thuốc giải thích: anh để bệnh quá nặng, trĩ đã sang giai đoạn 4 rồi nên rất khó chữa khỏi bằng thảo dược.
Việc chữa trĩ hiện nay khá đơn giản song khó có hiệu quả và dứt điểm nếu bệnh nhân không chọn được đúng phương pháp. Ảnh minh họa.
Muốn trị dứt điểm một lần cho khỏi đau đớn, anh Lâm đi cắt trĩ bằng máy đốt cao tần. Nhưng sau khi thực hiện thủ thuật, anh cảm thấy rất đau đớn, công việc và cuộc sống theo đó cũng bị ảnh hưởng lớn. "Chẳng biết mấy hôm nữa thế nào chứ gần một tuần rồi vẫn đau quá, nằm hay ngồi đều khó chịu. Lúc đó hơi vội vàng, giờ đọc lại thông tin trên mạng mới thấy nhiều người khuyên nên chọn phương pháp longo, đỡ đau mà khả năng khỏi dứt điểm cũng cao hơn", anh Lâm nói.
Trĩ là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam do nguyên nhân gây bệnh liên quan mật thiết tới thói quen sinh hoạt hằng ngày của con người. Bệnh trĩ không khó chữa, nhưng nhiều người chữa không khỏi do điều trị không dứt điểm hoặc chưa có phương pháp điều trị hợp lý.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tín, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, muốn chữa bệnh trĩ hiệu quả và triệt để, bệnh nhân phải đi khám sớm, ngay khi có biểu hiện đi ngoài ra máu tươi. Độ nặng của bệnh phụ thuộc vào mức độ suy của hệ tĩnh mạch trĩ nên chữa càng sớm thì bệnh càng nhanh khỏi, càng đơn giản, giảm đau đớn, biến chứng và chi phí điều trị.
Bệnh trĩ được chia thành 4 cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Thông thường, khi bệnh ở giai đoạn nhẹ (một hoặc 2), bệnh nhân có thể chữa khỏi bằng phương pháp điều trị nội khoa. Nhưng nếu bệnh để lâu, tiến triển nặng, ở giai đoạn 3, 4 thì cần dùng thủ thuật ngoại khoa mới có thể chữa trị dứt điểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tín tư vấn: ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể ngâm hậu môn vào chậu nước muối ấm 0,9% hàng ngày, từ một lần đến 2 lần, mỗi lần 15 phút; sau đó sử dụng thuốc có tác dụng làm bền các tĩnh mạch rồi bôi thuốc mỡ hoặc đặt thuốc đặc trị như Mastu-S, protolog… Ngoài ra, khi mới bị trĩ độ một và 2, người bệnh cũng có thể sử dụng thủ thuật như chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su, quang đông hồng ngoại để điều trị.
Khi trĩ đã nặng lên mức độ 3 và 4, bệnh nhân cần điều trị bằng phẫu thuật cắt trĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Tín cho biết, từ trước năm 1993, y học đã có rất nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ khác nhau như: Milligan Morgan, Whitehead, Toupet… và dùng nhiều phương tiện khác nhau để phẫu thuật như dao điện, dao laser, cắt trĩ bằng máy đốt cao tần… Tuy các phương pháp này có cho kết quả nhất định nhưng cơ chế điều trị đều lấy búi trĩ từ ngoài rìa hậu môn tới tận gốc búi trĩ rồi cắt đi, gây ra vết thương ở hậu môn lớn, làm người bệnh đau kéo dài sau mổ, thời gian nằm viện lâu, gây sẹo và ướt hậu môn.
Để khắc phục những hạn chế đó, bệnh nhân có thể chọn phương pháp longo. Nguyên tắc của phương pháp này là cắt để triệt mạch các búi trĩ, cắt bỏ phần niêm mạc sa phía trên đường lược nơi có ít cảm giác đau và đồng thời khâu niêm mạc kéo lên và tạo hình lại hậu môn phía ngoài. Sau khi điều trị, ống hậu môn được tái tạo lại về mặt giải phẫu học như bình thường, bảo tồn 3 búi trĩ theo sinh lý ống hậu môn. Nhờ vậy, bệnh nhân không có vết khâu da hay bị tổn hại hệ thống cơ vòng hậu môn. Ưu điểm của phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo là rất ít đau sau mổ, thời gian phẫu thuật khoảng 15-20 phút và thời gian nằm viện ngắn, không gây vết sẹo hậu môn, ướt hậu môn.
Bác sĩ Tín tư vấn thêm, trường hợp bệnh nhân bị trĩ sa nghẹt thì nên dùng thuốc điều trị nội khoa và ngâm hậu môn vào chậu nước ấm cho đến khi búi trĩ hết phù nề, tại chỗ ổn định, sau đó mới tiến hành phẫu thuật cắt trĩ. Bệnh nhân trĩ ngoại thường không có chỉ định điều trị thủ thuật và phẫu thuật trừ khi có các triệu chứng viêm nhiễm hoặc bị tắc mạch. Khi điều trị tắc mạch, bệnh nhân sẽ được rạch lấy cục máu đông, theo đó sẽ có cảm giác dễ chịu và hết đau ngay sau khi mổ.
Xuân Ngọc (vnexpress.net)