Đây là những thông tin cần thiết quan trọng cho cả mẹ và thai nhi. Mời các mẹ cùng tìm hiểu
1. Những điều tuyệt vời nhất khi mang thai 3 tháng giữa
- Đây là khoảng thời gian cực kì khó quên vì bạn sẽ cảm nhận được sự di chuyển lần đầu tiên của bé yêu trong bụng. Với hầu hết mẹ bầu, hiện tượngthai máy đều xảy ra trong khoảng tuần 16-20.
- Khi mang thai 3 tháng giữa, hầu hết các hiện tượng khó chịu như nghén, mệt mỏi... đều đã đi qua. Đây là thời điểm tuyệt vời nhất mẹ bầu nên tận dụng để đi du lịch, vui chơi, giải trí để tận hưởng cuộc sống xung quanh và tạo niềm vui cho quá trình mang thai. Bây giờ là lúc bạn có cảm giác có nguồn năng lượng mới ngập tràn cơ thể, vì vậy đừng bỏ phí!
- Thời kì ốm nghén đã đi qua, đây là lúc bạn có thể thoải mái ăn những gì mình thích và cảm thấy thèm. Hãy tận dụng khoảng thời gian thai kì này để ăn uống vì đây không phải là thời điểm bạn phải lo giữ dáng.
- Bạn sẽ thỏa sức mua sắm - thú vui của hầu hết phụ nữ vì đây là thời điểm bạn nên chọn cho mình những bộ cánh mới để phù hợp hơn với chiếc bụng bầu đang ngày một lớn hơn.
- 12 tuần đầu mang thai gian khó đã đi qua, bạn đang bước vào giai đoạn mang thai 3 tháng giữa với nhiều điều dễ chịu. Cơ hội để có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh được cải thiện nhiều. Bây giờ là lúc bạn thư giãn và tận hưởng.
2. Tuy nhiên, vẫn có những điều cần lưu ý
Mang thai 3 tháng giữa được coi là khoảng thời gian được coi là dễ chịu nhất. Ốm nghén không còn, ăn ngon miệng và có giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đối mặt với những rắc rối của quá trình mang thai như:
- Tình trạng táo bón: Nhiều mẹ bầu vẫn phải đối mặt với tình trạng trong 3 tháng giữa mang thai. Để tránh hiện tượng này, mẹ bầu hãy uống nhiều nước và dùng các thực phẩm giàu xơ. Ngồi nhiều cũng khiến bạn bị táo bón, vì vậy hãy đứng lên đi lại khoảng 10 phút sau mỗi tiếng ngồi.
- Rạn da bắt đầu xuất hiện: Khi em bé trong bụng ngày một lớn lên, cơ thể mẹ bầu bắt đầu xuất hiện những vết rạn, có thể ở ngực hoặc mông, đùi, bụng. Mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé vì rạn da là điều hết sức bình thường trong thai kì, nó có thể mờ dần và mất hẳn sau một thời gian.
Cách tốt nhất để phòng tránh rạn da là hãy uống đủ nước và giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem chống rạn, nhưng nhớ chọn loại an toàn nhé!
- Chóng mặt: Có nhiều mẹ bầu cảm thấy chóng mặt khi mang thai 3 tháng giữa, nhất là lúc nằm ngửa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do trọng lượng của thai ép lên các tĩnh mạch mang máu từ phần dưới cơ thể quay lại tim. Nguy hiểm lớn nhất của chóng mặt là làm bạn bị ngất.
Vì vậy để tránh chóng mặt, mẹ bầu nên hạn chế nằm ngửa khi mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Thay vào đó, hãy nằm nghiêng về bên trái hoặc kê một chiếc gối phía hông khi bạn nằm nghiêng.
- Khó thở: Vào khoảng thời gian cuối của tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi tiếp tục lớn lên và gây sức ép lên lồng ngực và phổi khiến bạn khó thở nhiều hơn. Nếu bạn thấy khó thở thường xuyên, phải thở nhanh thì bạn nên đi khám sớm.
3. Thăm khám bác sĩ
Khám thai trong 3 tháng giữa thai kì giúp bác sĩ kiểm tra những thông tin thiết yếu đối với sức khỏe của bạn và bé. Ngoài việc đảm bảo sự phát triển của bé và sức khỏe của mẹ, bác sĩ còn theo dõi để loại trừ các nguy cơ cho thai kì.
- Nếu bạn chưa kịp siêu âm tầm soát đo độ mờ da gáy từ 11 đến 13 tuần ở 3 tháng đầu mang thai thì ở thời điểm này, có thể bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm Triple test.
- Khi mang thai 3 tháng giữa có tuần thai thứ 22 là cực kỳ quan trọng thai phụ rất cần được siêu âm để khảo sát các dị tật thai nhi: não úng thủy, giãn não thất, nứt đốt sống, tim bẩm sinh, dị dạng nang tuyến phổi, ngắn chi, chân tay khoèo, sứt môi chẻ vòm, teo thực quản, hẹp tá tràng, thoát vị rốn…
Đây là thời gian vàng để chẩn đoán, vì lúc này thai nhi còn nhỏ, nước ối nhiều siêu âm sẽ dễ khảo sát hơn những tuần lễ sau.
4. Dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng giữa
Có 4 nhóm thực phẩm cơ bản mẹ bầu vẫn tiếp tục được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ bầu nên ăn đó là:
- Nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn…
- Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ…
- Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc…
- Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.
Mục tiêu đặt ra cho mẹ bầu trong giai đoạn này là phải tăng 3-4kg, vì vậy bạn nên chú ý đến thực đơn để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt, mẹ bầu nên chú ý những điều sau:
- Chú ý bổ sung chất béo vì nó rất cần thiết cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
- Trong thực đơn không thể thiếu rau xanh và quả chín để bổ sung vitamin và tránh hiện tượng táo bón.
- Cung cấp lượng vitamin dồi dào cho cơ thể gồm: chất sắt, canxi, magiê, kẽm, vitamin B, acid folic, vitamin A, C, E, D và beta-caroten bằng việc ăn uống đa dạng.
- Uống đủ nước và tránh bỏ bữa.
Theo Sức khỏe đời sống