Nếu gặp những triệu chứng sau vào cuối thai kỳ, các mẹ bầu phải hết sức cẩn trọng.
Những cơn đau bụng
Ở giai đoạn cuối thai kỳ, sự mở rộng của tử cung sẽ gây ra áp lực với vùng bụng dưới. Thay đổi này có thể sẽ làm tăng độ giãn ra của dây chằng dẫn đến cơn đau bụng hoặc đau nhói ở bên sườn. Những cơn đau này thường xuất hiện khi bà bầu ngồi xuống hoặc đứng lên.
Những cơn đau như vậy được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên trầm trọng hoặc đi kèm với những triệu chứng khác như buồn nôn, sốt thì mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.
Tụt huyết áp, chóng mặt
Tụt huyết áp trong thai kỳ là chuyện thường thấy bởi khi đứng lên hoặc ngồi xuống đột ngột khiến cho máu lưu thông không kịp thì sẽ dẫn đến biểu hiệu chóng mặt. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối thai kỳ, trọng lượng của tử cung tăng lên đáng kể gây áp lực cho tĩnh mạch chủ khiến hiện tượng chóng mặt ở bà bầu tăng lên.
Để giảm thiểu tình trạng này, khi thấy có những biểu hiện như trên, mẹ bầu nên thay đổi tư thế nằm hoặc hạn chế sự đứng lên ngồi xuống đột ngột để giảm thiểu áp lực tới tử cung.
Có những dấu hiệu cuối thai kỳ cảnh báo mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Các cơn co thắt tử cung
Khoảng tháng thứ 6 – 7 trở đi, các cơn co thắt tư cung sẽ xuất hiện. Đây là hiện tượng bình thường. Hầu hết những cơn co thắt tử cung xuất hiện với cường độ nhiều hơn vào sau tuần thai thứ 30. Không chỉ tăng lên về cường độ mà thời gian các cơn co bóp này xuất hiện mỗi lần cũng dài hơn gây đau đớn. Thông thường, cứ khoảng từ 10 đến 20 phút thì những cơn co bóp này lại xuất hiện một lần.
Nhiều người còn gọi đây là hiện tượng “chuyển dạ giả”. Tuy nhiên mẹ bầu nên chú ý theo dõi và đến gặp bác sĩ để có những tư vấn hữu ích.
Phù nề và phình tĩnh mạch
Khi mang thai, lượng nước trong cơ thể người phụ nữ tăng lên. Sự tích trữ lượng nước này sẽ khiến cho ngực, các mô và chân tay bị phù nề. Hiện tượng phù nề có thể ngày càng gia tăng theo thời gian mang thai.
Để tránh phù nề, mẹ bầu cần hạn chế đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Hãy đứng lên đi lại bằng một đôi giày bệt thoải mái và mềm mại để cải thiện tình trạng bị đau chân. Nếu hiện tượng này xuất hiện trên toàn cơ thể thì mẹ bầu cần chú ý đi khám để có sự chẩn đoán đúng đắn nhất.
Ngoài ra, để tránh hiện tượng này, mẹ bầu cũng có thể ngâm chân, tay vào nước ấm để làm lưu thống máu trong cơ thể giúp giảm thiểu hiện tượng phù nề.
Khó thở, tức ngực
Sau ba tháng đầu, phụ nữ mang thai thường thấy bị khó thở, tức ngực. Để giảm bớt cảm giác khó chịu trên, các mẹ bầu nên hít sâu và từ từ thở ra. Việc này sẽ giúp cung cấp đủ oxy cho thai nhi.
Để phòng tránh hiện tượng trên, mẹ bầu hãy duy trì một tâm trạng vui vẻ. Nếu cảm giác khó thở tức ngực đi kèm với phù nề nghiêm trọng thì cần phải đi khám bác sĩ ngay.
Đi tiểu không tự chủ
Trong suốt thai kỳ, hiện tượng đi tiểu không tự chủ có thể diễn ra nhiều lần. Khi mới mang thai, mẹ bầu cũng gặp phải phiền toái này. Đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường do bàng quang phải chịu áp lực khiến nước tiểu bị rò rỉ không kiểm soát.
Hiện tượng này thường sẽ mất đi sau khi sinh nở. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì cũng sẽ có những triệu chứng thế này. Việc đi tiểu ngay khi có cảm giác muốn là cách tốt nhất để giúp phòng tránh nhiễm trùng bàng quang.
Theo Sức khỏe đời sống