Chồng cần ăn uống đủ dưỡng chất, tránh mặc đồ bó sát, ngồi quá lâu, ngâm mình trong bồn tắm hơi... Vợ ngưng thuốc tránh thai, tháo vòng, rút que cấy…
Trước khi có ý định mang thai, cả vợ lẫn chồng cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, tài chính, tâm lý để đảm bảo tốt nhất cho sự chào đời của đứa trẻ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Cúc, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, cho biết trước khi chuẩn bị mang thai, vợ chồng cần kiểm tra tình hình sức khỏe cá nhân về các bệnh mãn tính, bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có bệnh lý di truyền hoặc rối loạn nhiễm sắc thể (hội chứng down...), bệnh máu khó đông, thiếu máu hồng cầu liềm, xơ nang, bệnh tim, khuyết tật ống thần kinh...
Trước khi có ý định mang thai, cả vợ lẫn chồng cần có sự chuẩn bị về tình hình sức khỏe, tài chính, tâm lý để đảm bảo tốt nhất cho sự chào đời của đứa trẻ. Ảnh: Trước khi có ý định mang thai, cả vợ lẫn chồng cần có sự chuẩn bị về tình hình sức khỏe, tài chính, tâm lý để đảm bảo tốt nhất cho sự chào đời của đứa trẻ.
Trước khi có ý định mang thai, cả vợ lẫn chồng cần có sự chuẩn bị về sức khỏe, tài chính, tâm lý để đảm bảo tốt nhất cho sự chào đời của đứa trẻ. Ảnh: mevacon.
Để có một thai nhi tốt, người chồng cần chú ý:
- Ăn uống đủ dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể và tinh trùng được khỏe mạnh. Ăn nhiều thực phẩm giàu axit folic, kẽm, vitamin C, ngũ cốc, rau lá xanh đậm, thịt hải sản, trứng, bưởi, cam, chanh, nho…
- Tránh mặc đồ bó sát, ngồi quá lâu, ngâm mình trong bồn tắm hơi.
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
- Nếu môi trường làm việc có tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, thuốc trừ sâu, chất phóng xạ... thì nên thay đổi công việc hoặc có biện pháp giảm thiểu tối đa rủi ro từ môi trường.
- Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi, căng thẳng.
Người vợ cần chú ý:
- Kiểm tra khả năng miễn dịch rubella, thủy đậu, bệnh phụ khoa, chủng ngừa cúm, rubella...
- Chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng vì cân nặng ở mức trung bình sẽ giúp dễ thụ thai hơn, không để béo phì quá mức.
- Nên đi kiểm tra răng, nếu chưa làm trong 6 tháng qua.
- Nên dành khoảng 30 phút tập thể dục hàng ngày.
- Cần bỏ rượu, cà phê, thuốc lá. Cà phê có thể làm giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ kích thích thần kinh, dễ dẫn đến sảy thai, chỉ nên dùng khoảng 200 mg mỗi ngày.
- Người mẹ cũng cần giảm thiểu rủi ro từ môi trường làm việc và sinh hoạt. Tránh tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, chất phóng xạ, các chất trong môi trường sống như chất tẩy rửa, dung môi, chì trong nước uống...
Ngưng biện pháp ngừa thai
Ngưng thuốc tránh thai, tháo vòng, rút que cấy… Nên dùng bao cao su đến khi kinh nguyệt trở về bình thường, đều đặn để dễ theo dõi chu kỳ, canh ngày rụng trứng nhằm tăng khả năng thụ thai.
Bổ sung sắt, axit folic
Uống 400 mcg axit folic mỗi ngày trong 1-3 tháng trước khi có thai.
Tăng cường thực phẩm giàu sắt từ rau (rau ngót, rau muống), thịt nạc (thịt bò, thịt trâu), cá biển... Sắt từ thịt hấp thu tốt hơn từ rau 2-3 lần.
Chế độ dinh dưỡng
Nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng, chọn thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, thêm rau quả.
Tránh bệnh nhiễm trùng và nguy cơ cho thai
Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi.
Sản phẩm chưa được tiệt trùng như phô mai, sữa, thịt, cá sống..., trứng tái, thịt nấu chưa chín, thịt chế biến sẵn... có thể dẫn đến nhiễm trùng bào thai, sảy thai, thai lưu.
Các loại cá chứa hàm lượng Hg cao như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá kình... có thể gây tổn thương não thai, thai chậm phát triển.
Thực phẩm làm tăng co bóp tử cung có thể gây sẩy thai như rau sam, táo mèo, long nhãn, ba ba…
Bảo quản thức ăn tốt, tránh bị nhiễm độc, rửa tay trước khi ăn.
Theo bác sĩ Cúc, các cặp vợ chồng cần có sự chuẩn bị về tài chính, tâm lý. Việc có con đồng nghĩa với việc sẽ chịu trách nhiệm với con suốt đời. Đôi khi phải nghỉ việc lâu dài vì thai bất ổn, chăm sóc con. Người chồng cần hiểu biết, thông cảm, chăm sóc, động viên, giúp vợ công việc gia đình. Nên tham gia lớp học tiền sản, chăm sóc trẻ sơ sinh...
Chăm sóc mẹ và thai nhi trong thai kỳ
Cần thực hiện khám thai để biết tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi, phát hiện dấu hiệu bất thường để được theo dõi và điều trị sớm, được tư vấn về cách chăm sóc bản thân, theo dõi sức khỏe thai tại nhà, cách nhận biết các triệu chứng bất thường, nguy hiểm trong thai kỳ, dấu hiệu chuyển dạ…
Thai kỳ được tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối, kéo dài 40 tuần. Khám lần đầu sau trễ kinh 2-3 tuần. Khám lần 2 lúc thai 11-13 tuần 6 ngày. Trong 3 tháng giữa, nên thực hiện mỗi tháng khám một lần. Ở 3 tháng cuối, 2-3 tuần khám một lần. Với tháng cuối, nên một tuần khám một lần.
Sắp xếp lịch làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Nên làm việc vừa sức, xen kẽ nghỉ ngơi, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, thể dục nhẹ nhàng, tránh làm việc ban đêm, tránh ngâm mình dưới nước, tránh tiếp xúc với chất độc hại như khói thuốc lá, khói bếp, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…, tránh đi xa, xóc xe, va chạm mạnh. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu dễ thấm nước, không nên đi giày cao gót.
Chú ý các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ, cần nói với bác sĩ ngay khi có các biểu hiện:
- Đau bụng dưới, ra huyết âm đạo.
- Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều.
- Sốt.
- Có cơn ngất hoặc co giật.
- Nôn ói quá nhiều.
- Đau rát khi đi tiểu và đi tiểu nhiều.
- Không thấy cử động thai sau tháng thứ 4, hoặc cử động thai yếu đi.
- Da xanh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở.
- Ra nước âm đạo khi chưa chuyển dạ.
- Đến ngày dự sinh mà chưa chuyển dạ.
Lê Phương (vnexpress.net)