Mồng tơi bò trước hàng rào, thêm vài cụm diếp cá và a-ti-sô nằm gọn gàng trong liếp đất sẽ giúp cho vườn thuốc gia đình trông sinh động.
Ngoài hai loại cây rất quen thuộc là mồng tơi và diếp cá, kỳ này Sức Khỏe giới thiệu một loại “lạ mà quen” với người Việt. Đó là cây a-ti-sô.
A-TI-SÔ
Loại cây gai lâu năm này có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. A-ti-sô cao tới 1,5-2m, lá dài từ 50-80cm.
A-ti-sô giàu vitamin C, loại vitamin hòa tan trong nước có chức năng như chất chống ô-xy hóa, rất cần cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng cũng rất quan trọng cho sự định hình collagen (chất tạo keo), một loại protein sinh ra trong cấu trúc xương, sụn và cơ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dùng chiết xuất từ a-ti-sô trong thời gian 6 tuần sẽ giảm lượng cholesterol xấu xuống còn hơn 22%.
A-ti-sô được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận. Hoa a-ti-sô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ.
Trong Đông y, hoa a-ti-sô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, tiểu đường, thống phong, thấp khớp…
Cách trồng:Có hai cách trồng thông thường. Một là, tách những cây non ra và trồng xuống với độ sâu khoảng 15cm, sao cho phủ gần hết ngọn. Cách thứ hai là gieo hạt vào mùa xuân, nên dùng đất nhiều chất mùn tốt để tránh hạt giống bị hỏng. Sau khi mọc được hai lá thì trồng cây non vào bịch và cứ hai tuần tưới phân lỏng một lần. Cây a-ti-sô hợp với khí hậu lạnh như ở Đà Lạt, Sa Pa. Nhiệt độ trên 30°C sẽ làm chúng khựng lại không phát triển nữa.
MỒNG TƠI
Còn gọi là mùng tơi, thường được chế biến như món luộc, nấu canh chung với rau dền, mướp, bí hay ăn kèm các món lẩu.
Mồng tơi khí bình, vị ngọt, không độc. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trong loại rau này có vitamin A3, B3, saponin, chất nhầy và sắt có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường, trị mụn. Mồng tơi ít dùng làm thuốc. Nhưng với trẻ bị táo bón, có thể ép nước để uống, nếu mắt nóng đỏ thì ép lấy xác đắp lên sẽ khỏi.
Cách trồng: Có thể gieo hạt hoặc trồng bằng cây con.
Trồng vài bụi mồng tơi trong chậu hoặc trước hàng rào còn tạo cảnh quan dễ chịu.
DIẾP CÁ
Người miền Nam gọi là rau dấp cá. Đây là loại rau không thể thiếu trong món rau sống, khi ăn gỏi cuốn hoặc món kho… Vì sao diếp cá được ưu ái đến vậy?
Theo Đông y, diếp cá có vị hơi mặn, tính mát nhưng mùi hơi hăng, có người nói đó là mùi tanh nên không dùng được. Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, giải độc, giải nhiệt, tiêu ung (mụn nhọt)… Ngoài ăn sống, diếp cá còn có thể xay lấy nước uống, dùng nấu canh để trị mụn nhọt sưng đau, lở loét do nhiệt. Chúng còn được phơi khô để làm vị thuốc.
Cách trồng: Trồng cây còn nguyên gốc vào chỗ đất ẩm và xốp, có ánh sáng. Giữ ẩm thường xuyên. Diếp cá sẽ sinh sôi nảy nở từ một cây ra thành cụm, từ cụm thành mảng. Cắt cả thân cây gần sát gốc rồi ngắt lá để dùng theo ý muốn, bỏ cọng.
Theo Khoe24h