Kẽm, sắt và canxi là những khoáng chất có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai.
Mẹ bầu tự ý bổ sung kẽm, sắt và canxi
Mới thai nghén tháng đầu tiên, chị Huỳnh Ngọc Phương Hân (25 tuổi- Quận I) đã tìm đặt mua những khoáng chất bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể như sắt, kẽm, canxi,... Chị cho biết, trước khi mang bầu, chị đã tìm hiểu kỹ chế độ ăn uống, các loại thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai. Do vậy, chị đã nhờ người thân ở nước ngoài mua hộp viên kẽm, sắt và canxi để phục vụ quá trình mang bầu.
Qua 2 tuần uống kẽm, sắt và canxi theo chỉ dẫn trên bìa hộp, cơ thể chị Phương Hân không hề có sự thay đổi gì. Thậm chí, chị cũng không rõ nó đã có tác dụng vào cơ thể chị và bào thai hay chưa (?). Bên cạnh đó, chị cũng lo sợ nguy cơ xảy ra khi tự ý uống thuốc. Chị tâm sự: “Mình khá phân vân về việc uống thuốc như vậy có đảm bảo an toàn. Có lẽ, sau đợt này, mình sẽ đến bệnh viện phụ sản khám và xin ý kiến của bác sĩ về vấn đề bổ sung các khoáng chất”.
Chị Khánh Diệp (28 tuổi- Gò Vấp) từng được một phen hú hồn khi tự mua sắt, kẽm và canxi về uống. Chị cho hay, chị bắt đầu bổ sung khoáng chất ở tuần thai thứ 8. 2 tháng sau đó, cơ thể chị bắt đầu triệu chứng thèm ăn, hoa mắt và chóng mặt. Hoảng sợ, chị đã đến bệnh viện kiểm tra. Cầm kết quả khám siêu âm trên tay, chị khá bất ngờ về thể trạng sức khỏe của mình và con.
“Tôi không nghĩ rằng, sức khỏe bị ảnh hưởng bởi những khoáng chất đó. Tôi uống chúng không đúng liều lượng nên đã gây ra tình trạng thèm ăn, hoa mắt, chóng mặt…Ngoài ra, bác sĩ còn chẩn đoán bé kém phát triển so với tiêu chuẩn của tháng thai kỳ”, chị Khánh Diệp hoang mang.
Nhiều mẹ bầu đã tự ý uống thuốc sắt, kẽm và canxi (ảnh minh họa)
Không được tự ý bổ sung sắt, kẽm và canxi
Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch (Giảng viên bộ môn Sản, trường ĐH Y Dược Tp.HCM), phụ nữ mang thai bổ sung kẽm, sắt và canxi là cần thiết. Tuy nhiên, thai phụ không nên tự ý mua thuốc về uống. Việc tự ý uống như vậy rất nguy hiểm tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Vì vậy, trước khi có ý định bổ sung khoáng chất, chị em cần đến các cơ sở y tế xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Sản.
Phụ nữ bổ sung kẽm, sắt và canxi có vai trò rất lớn trong quá trình thai kỳ:
Kẽm - yếu tố vi lượng cần thiết
Theo bác sĩ Thạch, kẽm là một trong những yếu tố vi lượng cần thiết cho phụ nữ mang thai. Khi thiếu kẽm nặng, thai phụ có thể thèm ăn, thai nhi chậm phát triển. Do vậy, trong quá trình thai kỳ, các mẹ bầu cần phải bổ sung kẽm vào thực đơn hàng ngày.
“Phụ nữ mang thai cần bổ sung 12mg kẽm/ngày. Tuy nhiên, mức độ an toàn của kẽm trong thai kỳ chưa được Y học chứng minh một cách rõ ràng. Năm 1995, Goldenberg và cs nghiên cứu bổ sung 25mg kẽm/ngày cho 580 thai phụ từ lúc bắt đầu tam cá nguyệt 2 thai kỳ. Kết qủa cho thấy, những đứa trẻ của nhóm thai phụ được bổ sung kẽm có cân nặng trung bình tăng 125g và chu vi vòng đầu tăng 4nm so với trẻ của nhóm thai phụ không được bổ sung sắt”, bác sĩ Thạch cho biết.
Năm 2001, Osendarp và cs nghiên cứu bổ sung 30mg kẽm cho 420 thai phụ từ tuần 12-16 đến lúc sinh. Nhóm trẻ sinh ra từ nhóm thai phụ có bổ sung kẽm giảm nguy cơ tiêu chảy cấp, bệnh kiết lị và bệnh lí về da.
Trong quá trình thai kỳ, các mẹ bầu cần phải bổ sung kẽm vào thực đơn hàng ngày (ảnh minh họa)
Sắt - khắc phục tình trạng thiếu máu ở thai phụ, thai nhi
Trong quá trình mang thai, phụ nữ cần bổ sung trung bình 1000 mg sắt, bao gồm: 300mg vận chuyển từ mẹ sang con; 200mg cho việc bài tiết và 500mg cho quá trình tạo hồng cầu. Bác sĩ Thân Trọng Thạch cho biết, phần lớn lượng sắt trong cơ thể thai phụ được sử dụng ở nửa sau thai kỳ. Vì vậy, cơ thể mẹ bầu giai đoạn này cần 7mg/ngày. Nhưng, cơ thể mẹ bầu không có sẵn lượng dự trữ sắt nên không bổ sung sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu tạo hồng cầu và thiếu máu thai phụ. Đặc biệt, thai nhi bị ảnh hưởng do không đủ lượng sắt vận chuyển qua bào thai.
Theo khuyến cáo của hiệp hội Nhi khoa và Sản phụ khoa Hoa Kỳ, mỗi ngày phụ nữ mang bầu cần bổ sung ít nhất 27mg sắt. Trường hợp thai phụ béo phì hoặc song thai sẽ tăng lên 60-100mg. “Chị em có thể bổ sung bằng viết sắt đơn thuần hoặc viên đa sinh tố. 3 tháng đầu, mẹ bầu có thể không cần thiết phải bổ sung sắt vì nhu cầu trong giai đoạn này khá thấp”, bác sĩ Thạch nhấn mạnh.
Sự phát triển của thai phụ thuộc vào cơ chế cân bằng canxi của mẹ
Thông thường, sự phát triển của bào thai phụ thuộc vào cơ chế cân bằng Canxi của mẹ. Do đó, thai phụ cần có chế độ ăn giàu calci để giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn canxi từ mẹ, nhất là thai phụ tuổi vị thành niên vẫn còn phát triển hệ xương.
Bác sĩ Thạch khẳng định, bổ sung canxi là cần thiết nhưng không phải tất cả các trường hợp mang thai. Trước đây, người ta cho rằng: Bổ sung canxi thường quy ngăn chặn tiền sản giật nhưng, hiện tại chưa có bằng chứng đủ mạnh để đưa ra kết luận đó!
Theo Vân Anh (Khám Phá)