Chứng tê nhức chân tay rất hay gặp ở thai phụ, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Hiện tượng này thường xuyên quấy rối thai phụ, đặc biệt là vào ban đêm.
Chứng tê nhức chân tay rất hay gặp ở thai phụ, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Hiện tượng này thường xuyên quấy rối thai phụ, đặc biệt là vào ban đêm. Các mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên do để mang thai được thoải mái hơn. Cùng tìm hiểu thông tin về hiện tượng tê chân tay khi mang bầu nhé!
Những nguyên nhân nào dẫn đến bà bầu bị tê chân tay
Bà bầu thường bị tê chân tê tay nguyên nhân phải kể đến những thay đổi về sinh lý trong thời kì mang thai. Vào giai đoạn thai kì từ tháng 5 trở đi, mẹ bầu tăng cân đồng thời thai nhi lớn, chèn ép các mạch máu làm cho việc tuần hoàn máu khó khăn khiến chân tay dễ bị tê mỏi.
Mặt khác, thai phụ bị tê chân tay là do lười vận động, tay chân; mẹ bị phù nề, cơ thể thiếu canxi và magiê. Tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi hay do ngồi quá lâu cũng khiến mệ bị tê chân tay.
Ngoài ra, tê chân tay khi mang bầu còn do một số nguyên nhân thuộc về bệnh lý gây ra như:
– Mẹ bầu bị thiếu vitamin và khoáng chất, nhất là canxi, magie, B1, B2, axit folic.
– Thiếu máu, hạ đường huyết. Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân hay gặp trong 3 tháng đầu.
– Thiếu nước: dẫn đến ứ đọng nhiều các sản phẩm lactate tại chỗ, gây mỏi cơ.
– Các bệnh về bắp thịt (myopathies), các rối loạn về thần kinh (neuropathies) cũng gây ra triệu chứng tê bì, chuột rút.
– Một số bệnh nặng hơn như đái tháo đường, cao mỡ máu, béo phì… cũng là nguyên nhân của chứng tê tay chân.
Tê chân tay khi mang thai có nguy hiểm không?
Chứng tê chân tay khi mang thai làm không ít mẹ bầu lo lắng và tự hỏi liệu rằng có nguy hiểm hay không? Nếu triệu chứng tê tê ở chân và các đầu ngón tay thỉnh thoảng mới xuất hiện ở người bình thường thì ở phụ nữ mang thai mức độ tê ngày càng tăng, nhất là ở thai kỳ cuối.
Tê chân tay không gây nguy hiểm nhưng nó là kẻ “quấy rối” cực kỳ khó chịu vào hàng đêm. Triệu chứng này làm cho mẹ bầu không thể ngủ thẳng giấc khi mà đây là lúc mẹ cần ngủ nhiều. Nhiều mẹ bầu không lạ với tình trạng nửa đêm giật mình thức giấc, thấy tay hoặc chân như mất cảm giác, rồi lại có lúc như có kim châm, có kiến bò. Dù được coi là lành tính, nhưng cũng sẽ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, làm tình thần mẹ bầu sa sút.
Triệu chứng khi mang thai bị tê chân tay
Thông thường, biểu hiện của triệu chứng của chứng tê chân tay cũng khá nhẹ nhàng. người bệnh sẽ cảm thấy cơn tê tê ở đầu ngón tay, chân, giống như bị châm chích, kiến bò bên trong. Nhưng đôi khi sẽ kèm theo cảm giác nóng, hơi đau nhức chứng tỏ trường hợp nặng hơn. Triệu chứng này có khi xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân, cổ chân, cổ tay, vùng thắt lưng, đùi, mông…
Đối với phụ nữ mang thai, chứng tê tay chân là hiện tượng sinh lý bình thường do nhiều biến đổi trong giai đoạn thai kỳ, không cần phải điều trị. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng cần chú ý đến tình trạng bệnh và đi khám bác sĩ ngay trong trường hợp bị tê kèm theo các triệu chứng lơ mơ dù trong giây lát, không nhấc nổi cánh tay, càng tê hơn khi đi bộ hay các dấu hiệu bất thường khác như hoa mắt, co cơ… để tránh các biếng chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Tất cả những biểu hiện khác thường đi kèm theo chứng tê chân tay có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, rối loạn chức năng gan, rối loạn chức năng chuyển hóa hay dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, thiếu chất…
Tổng hợp các biện pháp xử lý khi mang thai bị tê chân tay
Theo lời khuyên của chuyên gia, mẹ bầu cần tự phải thường xuyên luyện tập thể thao với những vận dụng nhẹ nhàng, tự tạo cho mình một tư thế ngồi và ngủ thật hợp lý để hạn chế các cơn tê chân tay tê và có được những đêm ngủ say giấc. Mẹ bầu tham khảo những biện pháp sau:
– Nên thường xuyên khởi động các khớp tay chân và tập các bài tập dành cho bà bầu để máu lưu thông tốt hơn.
– Tư thế ngủ thoải mái: Không dùng cánh tay mình để gối đầu hay cho trẻ gối đầu. Trong lúc ngủ, nếu thấy bị tê thì nhanh chóng thay đổi tư thế ngủ để máu lưu thông tốt hơn.
– Khi làm việc với máy tính, nên tranh thủ đi lại, vận động các khớp giúp không bị căng, đau các khớp ở chân, tay. Lúc ngồi xem ti vi, hãy gác hai chân lên, cánh tay nên đặt trên thành ghế để tránh tê mỏi. Khi được thư giãn, mẹ bầu nên nằm dài ra, hai chân đưa lên cao trong ngày.
– Hạn chế ngồi hoặc đứng ở 1 tư thế quá lâu.
– Ngâm chân trong nước muối ấm 15 phút mỗi tối. Sau đó massage trước khi đi ngủ. Khi ngủ kê chân cao lên.
– Bổ sung thêm Canci ngày 2 viên (1000mg/ngày). Hạn chế dùng các loại canci bổ sung có lactate Một số thức ăn sau đây chứa nhiều canxi hơn cả: cua đồng (5.040mg%, tức là có 5.040mg canxi trong 100g cua); tôm đồng (1.120mg%); sữa bột (939mg%), sữa bò và dê tươi (147mg%). Trong các loại thức ăn thực vật thì mè (1.200mg%), rau cần (325mg%), cà rốt (323mg%), đậu nành (224mg%). Sữa, sữa không men và các nguồn thực phẩm hằng ngày khác như phomai, sữa chua…có chứa rất nhiều canxi.
– Bổ sung viên đa vitamin, đặc biệt Vitamin B1 làm giảm tê bì chân. Gạo nguyên cám, ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là những nguồn vitamin B1 tốt.
– Chườm lạnh cũng giúp giảm sưng và đau. Không nên chườm nóng vì có thể làm tình trạng sưng nề tăng thêm.
Nếu các biện pháp trên không đỡ, nên đi khám bác sỹ để tìm các nguyên nhân khác. Đặc biệt bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu 2 chi dưới hiện chẩn đoán dẽ dàng nhờ siêu âm. Siêu âm Doppler màu tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch khoe có độ đặc hiệu và độ nhạy cao lên đến 95%.
Theo Sức khỏe đời sống