Trái cây là nguồn cung cấp vitamin và những dưỡng chất rất quan trọng đối với thai kỳ. Tuy nhiên, trong một số loại trái cây có chứa các chất làm tử cung co thắt dữ dội, tống đẩy thai nhi ra ngoài khi vừa thụ thai hoặc chưa tròn 9 tháng 10 ngày.
Táo mèo
Táo mèo được dùng như một loại thuốc quý với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, hạ huyết áp, trị các chứng tê mỏi… Thế nhưng với những ai đang mang thai thì táo mèo lại là một mối đe dọa đến sự an toàn của thai nhi. Nguyên do là vì trong táo mèo có chất gây co bóp tử cung mạnh mẽ và đồng thời làm tử cung bị co lại thay vì giãn nở để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển. Kết quả là khiến thai nhi bị tống đẩy ra ngoài, gây sinh non hoặc thậm chí sẩy thai, thai chết lưu.
Nhãn
Nhãn có vị ngọt, tính ôn nhiệt, giàu vitamin A, C và các khoáng chất như sắt, kali, photpho và magie. Tuy đây đều là những chất rất tốt cho cơ thể nhưng khi mang thai mẹ nên hạn chế ăn nhãn sẽ tốt hơn. Lý do là vì trong 3 tháng đầu thai kỳ, thân nhiệt cơ thể sẽ tăng, nhãn lại rất nhiều đường và nóng. Nếu ăn quá nhiều có thể khiến mẹ dễ bị đầy hơi, nôn mửa, khí huyết không lưu thông kịp dẫn đến xuất huyết, đau bụng dữ dội và cuối cùng gây ra hiện tượng dọa sẩy hoặc sẩy thai và nguy cơ sinh non.
Mít
Trong mỗi múi mít chín có chứa: 0,6-1,5% protein (tùy loại mít), 11-14% glucid (gồm đường fructose, glucose, cơ thể dễ hấp thụ), caroten, vitamin C, B2… và các chất khoáng như sắt, canxi, phospho… Mặc dù mít cũng được xem là một trong những loại quả giàu dưỡng chất với các công dụng hạ huyết áp, tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp sáng mắt và chắc xương nhưng mít cũng là một loại trái cây nhiều đường và rất nóng. Nếu ăn quá nhiều một lúc có thể gây chướng bụng, đau bụng, xuất huyết và dẫn đến dọa sẩy, sẩy thai hoặc sinh non.
Đu đủ xanh
Không chỉ nói suông, có rất nhiều bằng chứng khoa học chứng minh trong quả đu đủ xanh có chứa loạt chất gây nguy hiểm cho thai nhi như: papain, prostaglandin và oxytocin. Trong đó đáng kể nhất là papain. Chất này nếu tác động đến bào thai trong 3 tháng đầu có thể khiến tế bào phôi thai bị phá hủy. Riêng hai chất prostaglandin và oxytocin còn có khả năng kích thích co bóp tử cung dữ dội và sớm đẩy thai nhi ra ngoài tử cung khi chưa đủ tháng.
Nếu chọn đu đủ, tốt nhất mẹ nên chọn đu đủ chín sẽ rất có lợi cho thai nhi vì khi chín, các chất có hại cho thai nhi kể trên đều sẽ bị mất đi. Thay vào đó, các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, C, B1, B2 … sẽ giúp tăng cường thêm dưỡng chất cho mẹ và thai nhi phát triển, đồng thời giúp mẹ hết táo bón, ợ nóng và tăng sức đề kháng.
Quả lựu
Các nhà khoa học tại Đại học Liverpool (Anh) đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Suranaree(Thái Lan) nghiên cứu về những tác dụng của hạt lựu đối với tử cung. Cụ thể, họ đã cho chiết xuất hạt lựu vào mẫu mô tử cung động vật và kết quả là các cơ thực sự hoạt động mạnh mẽ hơn. Với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chính chất Beta-sitosterol, một Steroid (có mặt trong nhiều loài thực vật, nhưng có nhiều nhất trong hạt lựu) là nguyên nhân gây kích thích co bóp tử cung.
Nghiên cứu còn cho biết, chiết xuất từ quả lựu còn có thể được sử dụng như một chất kích thích tự nhiên, hỗ trợ sản phụ trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, đây là dạng chiết xuất đậm đặc. Do đó nếu mẹ chỉ ăn một ít có thể ở mức độ an toàn. Mặc dù vậy với những mẹ có nguy cơ sẩy thai cao, tốt nhất nên tránh.
Dứa
Theo nghiên cứu từ rất nhiều nhà khoa học thì quả dứa có chứa chất bromelain. Chất này có tác dụng làm mềm tử cung, tăng co bóp tử cung nên trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối mẹ không nên ăn quả này quá nhiều. Quả dứa càng xanh thì chất bromelain lại cao, thậm chí nó có thể gây sẩy thai. Nếu muốn ăn, mẹ có thể nấu chín kỹ vì khi qua nhiệt, chất bromelain sẽ bị mất đi. Tuy vậy mẹ cũng không nên ăn quá nhiều đâu nhé!
Với những lưu ý này, mong các mẹ hãy cẩn thận hơn khi chọn các nguồn thực phẩm cho mình trong thai kỳ nhé! Chúc các mẹ bầu được mẹ tròn con vuông, sinh đủ 9 tháng 10 ngày nha!
Theo Sức khỏe đời sống