Nếu không muốn gặp những phiền phức cho mình và thai nhi trong bụng mẹ đừng bỏ qua thông tin này nhé.
Tăng cân trong thai kỳ luôn là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bà bầu. Mới đây, nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, tăng cân trước và trong giai đoạn đầu thai kỳ thực sự là một vấn đề rất đáng lưu tâm.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu, việc tăng cân sớm ngay khi bắt đầu mang thai ở phụ nữ có thể dẫn tới những em bé to bất thường khi sinh. Hơn thế nữa, những trẻ sơ sinh này có thể gặp nguy cơ cao về sức khỏe sau này.
Tiến sĩ Ravi Retanakaran, Bệnh viện Mount Sinai, thành phố Toronto (Canada), chia sẻ: "Thông thường, khi mang thai, chúng ta hết sức tập trung vào việc tăng cân. Bà bầu luôn được kiểm tra cân nặng trong mỗi lần hẹn khám bác sĩ để xem họ tăng bao nhiêu. Trước đây, thời điểm tăng cân liệu có ý nghĩa quan trọng hay không vẫn chưa được xác định chính xác".
Tiến sĩ Retanakaran tiết lộ thêm, việc nghiên cứu các mốc thời gian tăng cân cũng không hề dễ dàng. Nguyên chính do các nhà nghiên cứu thương chỉ dựa vào thông tin từ phía các bà bầu. Trong khi thông tin này có thể không chính xác.
Việc ăn uống và hoạt động thể chất hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ trẻ sơ sinh to lớn bất thường (Ảnh minh họa).
1164 phụ nữ mới kết hôn tại Lưu Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã tham gia nghiên cứu trên. Tiến sĩ Retanakaran cùng cộng sự của mình đã ghi chép cân nặng trước khi mang thai của họ, thường khoảng 20 tuần trước khi thụ thai. Việc này được duy trì sau khi người tham gia nghiên cứu mang bầu.
Kết quả, số cân tăng lên trong giai đoạn đầu thai kỳ, tính tới tuần thai thứ 18, có liên quan tới cân nặng của bé khi chào đời. Cụ thể: nếu một phụ nữ tăng 1kg trong giai đoạn đầu mang thai (trước 14 tuần), cân nặng của bé sẽ tăng lên 13,6g. Mức tăng tương tự của bà bầu từ tuần thai 14-18 tác động tới cân nặng của bé tăng lên 26,1g. Và tăng cân sau tuần thai thứ 18 không còn ảnh hưởng tới cân nặng bé sơ sinh nữa.
Trong giai đoạn đầu thai kỳ, bào thai thực sự phát triển khá chậm. Do đó, bất cứ cân nặng tăng thêm nào cũng chủ yếu liên quan tới cơ thể người mẹ. Việc tăng cân giai đoạn đầu mang bầu có thể khiến thai nhi tiếp xúc với hàm lượng dưỡng chất "đậm đặc" hơn, bao gồm glucose và axit amin. Từ đó, sự phát triển của trẻ chịu ảnh hưởng và khiến bé đối mặt với nguy cơ gặp rắc rối về trao đổi chất.
Tiến sĩ Retanakaran và đồng sự phát hiện thấy, chế độ ăn và hoạt động thể chất, nếu được bắt đầu đúng thời điểm, có thể giúp giảm nguy cơ trẻ sơ sinh to lớn bất thường, gây khó khăn cho việc sinh nở.
Thai nhi với trọng lượng lớn không chỉ khiến bà bầu khó đẻ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe về sau (Ảnh minh họa).
Tăng cân lành mạnh trong thai kỳ
Mức tăng cân lý tưởng trong thai kỳ là từ 11,5 đến 16kg. Mức tăng 16kg có thể được chia nhỏ thành:
1. Cân nặng của bé: 3,5kg
2. Trọng lượng nhau thai: 1-1,5kg
3. Trọng lượng dịch ối: 1-1,5kg
4. Mô ngực: 1-1,5kg
5. Trọng lượng nguồn cung máu: 2kg
6. Lượng mỡ dự trữ: 2,5-4kg
7. Sự tăng trưởng của tử cung: 1-2,5kg
Mức tăng cân lý tưởng trong thai kỳ là từ 11,5 đến 16kg (Ảnh minh họa)
Để tăng cân hợp lý trong thai kỳ, mẹ bầu nên duy trì 2 việc sau:
- Ăn uống lành mạnh: Chọn trái cây, rau tươi bởi chúng giàu vitamin nhưng hàm lượng calo và chất béo thấp. Bạn cũng có thể ăn bánh mì nguyên cám, bánh quy giòn nguyên cám và ngũ cốc nguyên cám. Bạn cần các sản phẩm từ sữa hàng ngày khi mang thai và có thể đảm bảo lượng hấp thụ ở mức 4 khẩu phần/ngày. Ngoài ra, bạn nên tránh chất tạo ngọt nhân tạo, đường bổ sung, xi rô ngô, đồ uống ngọt, thức ăn vặt và các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe khác.
- Thường xuyên tập luyện: Đi bộ và bơi lội đều là những vận động an toàn khi bạn mang thai. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về những dạng bài tập khác mà bạn có thể tập để đảm bảo sức khỏe và độ linh hoạt trong thai kỳ.
Nguồn: Parent